Bối cảnh Chiến_dịch_Sa_Thầy_(1967)

Sau hai mùa khô 1965 – 1966 và 1966 – 1967, Liên quân Mỹ - Việt Nam Cộng hòa đã nhiều lần thất bại nặng nề trước Quân Giải phóng và rất choáng váng nhưng vẫn cố gắng để giảm bớt ưu thế của đối phương. Về phía Quân Giải phóng miền Nam việt Nam, để đánh bại hoàn toàn gọng kìm "tìm diệt" trong cuộc phản chiến lược lần thứ 2 của đối phương, sau 2 tháng chuẩn bị, ngày 03/02/1967, Thường vụ Đảng ủy và Bộ tư lệnh mặt trận Tây Nguyên họp và quyết định sử dụng toàn bộ lực lượng của mặt trận mở chiến dịch tiến công quân địch ở Tây Nguyên trong thời gian một tháng rưỡi hoặc hơn, nhằm phối hợp tác chiến với các chiến trường, tiêu diệt sinh lực đối phương, với chỉ tiêu cụ thể là diệt từ 8 đến 10 đại đội Mỹ, từ 5 đến 7 đại đội Việt Nam Cộng hòa; nếu đối phương vào sâu địa bàn của Quân Giải phóng thì Quân Giải phóng với thế rất thuận lợi thì cố gắng diệt gọn từ 1 đến 2 tiểu đoàn Mỹ, buộc đối phương phải điều lực lượng lên Tây Nguyên để Quân Giải phóng sẽ nhử địch vào sâu để tiêu diệt, góp phần phá tan âm mưu "bình định" của đối phương ở đồng bằng, phát triển chiến trường du kích và phong trào đấu tranh chính trị của nhân dân, rèn luyện bộ đội. Bộ tư lệnh mặt trận Tây Nguyên trực tiếp chỉ huy chiến dịch. Tướng Nguyễn Chánh trực tiếp làm Tư lệnh, Tướng Chu Huy Mân làm Chính ủy. Bộ tư lệnh chiến dịch đã đề ra phương châm: tích cực, chủ động, linh hoạt, các lực lượng, luân phiên đánh liên tục (cố gắng tiêu diệt gọn từ 1 đến 2 đại đội trong đánh vận động, đánh địch trong công sự phải bảo đảm chắc thắng), phối hợp chặt chẽ giữa các hướng, bố trí đội hình thưa, có kế hoạch nghi binh chiến dịch, đẩy mạnh đánh nhỏ lẻ trên các tuyến giao thông.

Đến đầu năm 1967, Quân Giải phóng đã thành lập được binh trạm nam và binh trạm bắc, căn cứ hậu cần khu vực bảo đảm chỗ đứng chân, xây dựng và tác chiến các đơn vị chủ lực.